Vai trò của nhà nước trong việc phát triển công trình xanh

Với những ưu thế quan trọng như sử dụng tài nguyên hiệu quả; giảm chi phí vận hành; giảm thiểu tác động tới môi trường;… trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng. Các công trình xanh đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới hiện nay. Nhưng tình hình phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc khắc phục các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh.

Ảnh: Internet

Những rào cản trong phát triển công trình xanh

Thứ nhất, nhận thức của nhiều đối tượng có liên quan về công trình xanh còn hạn chế; kể cả cơ quan quản lý, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công, xây dựng, người sử dụng… Nhiều người vẫn nghĩ đầu tư công trình xanh là tốn kém. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu được tính toán thiết kế ngay từ đầu; việc phát triển công trình xanh chưa hẳn đã làm tăng thêm chi phí. Trong khi đó, công trình xanh lại cho phép người sử dụng được hưởng lợi trong suốt quá trình vận hành công trình.

Thứ hai là kỹ thuật và đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiết bị trong xây dựng công trình xanh còn nhiều hạn chế.

Thứ ba là hiện chưa có quy định mang tính bắt buộc hoặc khuyến khích đủ mạnh để phát triển công trình xanh. Đặc biệt là đối với các công trình xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước… Đồng thời, chưa có đầy đủ các định mức kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư để làm căn cứ triển khai thiết kế, thi công, quản lý vận hành và đánh giá, công nhận công trình xanh ở các công trình có nguồn vốn đầu tư công.

Phát huy vai trò quan trọng của nhà nước

Để thúc đẩy phát triển công trình xanh, Bộ Xây dựng đang giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành.

Các chính sách này sẽ định hướng và quy định các vấn đề liên quan đến yêu cầu phát triển công trình xanh trong các công trình xây dựng mới hoặc công trình cải tạo; Đưa ra bộ tiêu chí đánh giá, công nhận công trình xanh cho các công trình có vốn đầu tư công; Triển khai đầu tư xây dựng thử nghiệm một số công trình xanh vốn ngân sách.

Từ đó tổng kết, đánh giá, đề xuất cơ chế chính sách phát triển; cũng như xây dựng suất đầu tư, định mức kinh tế kỹ thuật cho công trình xanh; cơ chế ưu đãi, khuyến khích cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy các công trình xanh từ nguồn vốn đầu tư của xã hội…

Nhà nước vẫn đang có những cố gắng để phát triển công trình xanh. Một tín hiệu đáng mừng là chúng ta đã có những công trình sử dụng vốn Nhà nước đạt chuẩn công trình xanh.

Dự án công đầu tiên đạt chứng nhận công trình xanh Lotus

Trụ sở mới của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đạt chứng nhận công trình xanh Lotus hạng Bạc. Đây là công trình sử dụng vốn Nhà nước đầu tiên đạt chứng nhận công trình xanh Lotus.

Ảnh: Internet

Để sử dụng tài nguyên hiệu quả, công trình sử dụng kính tiết kiệm năng lượng low-e 2 lớp; các tấm lam che nắng dọc mặt tiền; tường làm bằng vật liệu không nung; lắp đặt hệ thống điều hòa trung tâm tiết kiệm năng lượng (VRF); hệ thống pin mặt trời công suất 8kwp; hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời nhằm tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có.

Đặc biệt, công trình sử dụng hệ thống xử lý nước thải có khả năng cung cấp 100% nước thải đã qua xử lý cho việc tưới cây. Hệ thống vòi và thiết bị vệ sinh cũng là công nghệ tiết kiệm nước.

Trong quá trình thiết kế, các giải pháp tối ưu không gian làm việc; ưu tiên không gian xanh đã được tính đến. Cụ thể, 100% không gian có tầm nhìn ra ngoài; 98% không gian được cung cấp khí tươi;18% diện tích khu đất được trồng cây xanh. Trong đó diện tích mái xanh là 80 mét vuông.

Phát triển công trình xanh là một quá trình không hề dễ dàng, việc Nhà nước quan tâm, tham gia tích cực sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng.