Có thể nói tảo là mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn của các loài thủy sinh. Ngoài nhiệm vụ điều tiết môi trường nước, tảo còn cung cấp oxi cho các sinh vật khác. Tuy nhiên có một số loại tảo nếu phát triển quá mức sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Sau đây là tổng hợp top 4 loại tảo nước ngọt thường gặp.
Top những loại tảo nước ngọt có lợi
Tảo khuê
Tảo khuê hay còn gọi là tảo silic hoặc tảo cát. Tảo khuê có cấu tạo đơn bào, sống đơn độc hay thành tập đoàn. Nhóm tảo khuê thường xuất hiện trong ao hồ là Cheatoceros sp.; Skeletonema sp.; Nitzschia sp. và Navicula sp.;… Đây là những nhóm tảo có thành phần dinh dưỡng tương đối cao và là nguồn thức ăn rất tốt cho ấu trùng của các loài thủy sinh vật giai đoạn sống đáy. Tảo khuê có thể phát triển tốt khi hàm lượng chất dinh dưỡng trong môi trường nước ở mức thấp, tỉ lệ N/P lớn hơn 15/1.
Ảnh: Hình thái một số loài tảo khuê dưới kính hiển vi (Nguồn: Internet)
Tảo lục
Tảo lục ảnh hưởng nhiều đến màu nước. Khi tảo lục chiếm ưu thế nước sẽ có màu xanh nhạt. Một số loài xuất hiện nhiều trong ao nuôi tôm như:Scenedesmus.; Cholerella sp.; Nannochloropsis sp.; Dunaliellasp.; Oocyctis sp.;…
Ảnh: Hình thái một số loài tảo lục dưới kính hiển vi (Nguồn: Internet)
Tảo lục là quần xã tảo không có tính độc, kích cỡ nhỏ, không gây mùi cho nước. Đồng thời Chlorella sp. có khả năng sản sinh ra được chất ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp.. Điều kiện cho nhóm tảo này phát triển là hàm lượng chất hữu cơ và hàm lượng muối dinh dưỡng ở mức trung bình, tỉ lệ N/P là từ 7-14/1 là điều kiện lý tưởng cho chúng phát triển bền vững.
Những loại tảo nước ngọt có hại
Tảo lam
Tảo Lam (tảo xanh hay vi khuẩn lam): phần lớn dưới dạng tập đoàn hay đa bào hình sợi, hình chuỗi hạt đơn hay phân nhánh. Trong môi trường nước ngọt, để đơn giản hơn tảo lam được chia thành 2 dạng là tảo lam dạng sợi và tảo lam dạng hạt. Tảo lam dạng sợi thường thấy như: Nostoc sp., Anabaena sp., Oscillatoria sp.,… Tảo lam dạng hạt thường thấy là Microcystis sp.,…
Ảnh: Hình thái một số loài tảo lam dưới kính hiển vi (Nguồn: Internet)
Tảo lam khi xuất hiện nhiều quan sát bằng mắt thường sẽ thấy nước có màu xanh đậm, xanh nước sơn, nổi ván xanh trên mặt nước; lúc trời nắng gắt thường nổi thành từng đám trên mặt nước và phía cuối gió; khi tảo già thì nổi ván xanh ở cuối gió, lúc này có thể nhận biết được tảo lam dạng hạt hay dạng sợi bằng mắt thường.
Đối với thủy sản tảo lam được xem là tảo độc hại vì một số loài tiết ra chất độc và một số loài thường gây hiện tượng nở hoa trong nước. Khi hàm lượng muối dinh dưỡng cao là điều kiện lý tưởng cho nhóm tảo lam phát triển. Tỉ lệ N/P là từ 3-5/1 thì tảo lam sẽ phát triển chiếm ưu thế.
Tảo mắt
Tảo mắt là sinh vật chỉ thị của môi trường nhiễm bẩn hữu cơ, chúng sống trong môi trường phú dưỡng. Tảo mắt chủ yếu phân bố ở các thủy vực nước ngọt, một số ít loài sống ở nước lợ mặn. Tuy nhiên, trong môi trường nước ngọt, khi đáy nhiễm bẩn thường tìm thấy một số loài như Euglena sp.; Eutrepteilla sp.; Pacus sp.; Trachaelomonas sp.;
Ảnh: Hình thái một số loài tảo lam dưới kính hiển vi (Nguồn: Internet)
Sự xuất hiện của tảo mắt trong ao hồ báo hiệu nền đáy bắt đầu nhiễm bẩn. Trong điều kiện thuận lợi nhiều hữu cơ, tảo mắt tăng sinh khối rất nhanh ảnh hưởng đến hàm lượng oxi hòa tan trong nước và làm nhiễm bẩn thêm môi trường nước. Khi tảo mắt phát triển với mật độ cao chiếm ưu thế trong ao nước sẽ có màu xanh rau má, một số trường hợp có màu nâu đen.