Khi hiện tượng phú dưỡng xảy ra sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống con người.
Tác động đến cân bằng sinh thái môi trường nước
Hiện tượng phú dưỡng là nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm hệ sinh thái ven bờ và dưới nước. Đây là hậu quả nghiêm trọng và khó khắc phục nhất.
Ban đầu, khi các chất dinh dưỡng được bổ sung, các loài sinh vật như thực vật thủy sinh, cá, tảo sẽ cùng nhau phát triển mạnh. Tuy nhiên, sau thời gian dài, khi lượng chất dinh dưỡng quá lớn, tảo lấn chiếm không gian, bao phủ mặt nước. Lớp tảo ngăn không cho các loài sinh vật khác tiếp cận với mặt trời và oxy.
Ảnh: Internet
Đồng thời, các nhóm tảo mới liên tục sản sinh và một phần tảo chết đi, bị chìm xuống tầng nước sâu hơn. Chúng bị vi sinh vật phân hủy. Phần lớn oxy được vi sinh vật sử dụng, gần như toàn bộ. Vì vậy, ngoài tảo phát triển trên mặt nước, các loài sinh vật khác đều dần dần bị chết do thiếu oxy cho quá trình hô hấp.
Tác động đến cuộc sống con người
Nhiều nơi đã xử lí nguồn nước ở các ao hồ để cung cấp cho các sinh hoạt hằng ngày. Để đưa vào sử dụng, người ta tiến hành các phương pháp lọc. Tuy nhiên sự tăng trưởng của các loài thực vật trôi nổi; đặc biệt là tảo gây cản trở việc làm sạch nước. Số lượng tảo lớn gây tắc các hệ thống lọc. Nguồn nước sau khi lọc vẫn có nguy cơ tồn tại một lượng các loại tảo có kích thước nhỏ.
Ảnh: Internet
Nguồn nước không đảm bảo tiềm ẩn những nguy hại rất lớn đối với con người. Ngoài ra có một số loại tảo có thể tiết độc ra môi trường. Chẳng hạn tảo Karenia brevis khiến người chạm vào nước bị kích ứng da. Chất độc của loại tảo này còn lan ra không khí và theo gió tỏa ra khiến những người hít phải cảm thấy đau đầu, khó thở.
Sản phẩm phân hủy tảo còn tạo ra các hợp chất của Fe và Al. Dẫn đến tăng lượng kim loại trong nước. Đồng thời thúc đẩy sự lớn mạnh của vi khuẩn, nấm, ẩn chứa các mầm bệnh nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Khi hiện tượng phú dưỡng xảy ra, nước đổi màu do sự phát triển của tảo. Ngoài ra lượng tảo chết phân hủy thường bốc mùi khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan.
Cách hạn chế hiện tượng phú dưỡng
Phú dưỡng là mối đe dọa nghiêm trọng với môi trường, nguồn nước ngọt tự nhiên và cuộc sống con người. Trước những hậu quả đáng lưu tâm này, cần có những biện pháp hạn chế hoặc đẩy lùi hiện tượng phú dưỡng. Phú dưỡng tăng lên khi nguồn dinh dưỡng tăng; nên các biện pháp hạn chế nguồn thải này được đề xuất như:
- Xử lý nước thải chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm, thủy hải sản trước khi xả ra môi trường. Với nước thải gia súc, bạn có thể xây bể biogas. Giải pháp này được sử dụng phổ biến ở nhiều vùng nông thôn với chi phí đầu tư rất thấp. Vừa giúp giảm chất hữu cơ ra môi trường, xử lý mùi hôi, lại cung cấp thêm năng lượng (khí biogas) cho nấu nướng, sinh hoạt.
Ảnh: Internet
- Xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp.
- Không lạm dụng phân bón hóa học
Quản lý và hạn chế phú dưỡng là vấn đề phức tạp cần đến sự chung tay của nhiều người. Cho dù nước ao hồ không thuộc sở hữu riêng của bất kì cá nhân nào. Thế nhưng, nếu bảo vệ được nguồn nước ao hồ xanh, sạch, đẹp. Đồng nghĩa, chúng ta đang xây dựng cho chính cộng đồng một không gian sạch, bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.