Kiến trúc xanh ra đời là một phần tất yếu của xu thế phát triển cuộc sống hiện đại. Dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể. Các công trình kiến trúc xanh mang lại những lợi ích vô cùng thiết thực đối với đời sống.
Kiến trúc xanh là gì?
Cho đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về kiến trúc xanh. Tuy nhiên chưa có một định nghĩa chính xác và thống nhất cho “kiến trúc xanh”.
Hiểu một cách cơ bản, kiến trúc xanh là một xu hướng mới trong thiết kế, thi công. Mục đích là giảm thiểu tối đa các tác động của công trình đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời tăng mỹ quan và tạo ra một không gian sinh hoạt, làm việc trong lành và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lợi ích của kiến trúc xanh.
Trình độ khoa học kĩ thuật phát triển, tác động của con người đã làm thay đổi tự nhiên; đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu. Vì vậy nếu không có những giải pháp kịp thời thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Việc ứng dụng kiến trúc xanh nhằm phát triển bền vững là một trong những giải pháp mang lại nhiều lợi ích.
Lợi ích đối với môi trường:
Đây là lợi ích điển hình và được quan tâm nhất của kiến trúc xanh. Các thiết kế xanh này sẽ làm đa dạng hơn hệ sinh thái; nguồn tài nguyên sinh học trong tự nhiên. Đồng thời, với các yếu tố xanh thì chất lượng không khí cũng sẽ được cải thiện; lượng phát sinh chất thải rắn và sử dụng tài nguyên cũng ít hơn. Theo một số tài liệu nghiên cứu khoa học từ VGBC – Hội đồng công trình xanh thế giới, nếu so sánh một công trình thương mại thông thường thì công trình kiến trúc xanh sẽ sử dụng ít hơn 26% năng lượng, chi phí bảo trì ít hơn 13% và lượng phát thải nhà kính ít hơn 33%.
Lợi ích kinh tế:
Có rất nhiều lợi ích kinh tế từ kiến trúc xanh như giảm chi phí điện, nước, rác thải,… trong quá trình vận hành công trình. Đồng thời, giá trị công trình cũng sẽ cao hơn do đây là một công trình bền vững; khả năng thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhanh hơn so với những công trình không có thiết kế kiến trúc xanh khác.
Lợi ích xã hội:
Lợi ích xã hội của kiến trúc xanh ngày càng thể hiện rõ rệt. Kiến trúc xanh sẽ tạo môi trường thân thiện cho người sử dụng ở nhiều khía cạnh, bao gồm: tăng số lượng tiện ích trong cuộc sống; tạo môi trường sinh hoạt, làm việc trong lành, cộng đồng văn minh; góp phần hỗ trợ, cải thiện sức khỏe con người, giảm nguy cơ các bệnh liên quan đến đường hô hấp, dị ứng; giảm nguy cơ đột quỵ, căng thẳng thần kinh.
Hệ thống tiêu chuẩn đánh giá công trình kiến trúc xanh.
Trên thế giới đã có nhiều bộ tiêu chuẩn dùng để đánh giá công trình kiến trúc xanh. Cụ thể như:
LEED (Leadership in Energy & Environmental Design):
Đây là bộ chuẩn công trình xanh của Mỹ, được ban hành bởi USGBC – US Green Building Council. Nó có thể coi là bộ chuẩn phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
BREEAM – BRE Environmental Assessment Method:
Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh xuất hiện đầu tiên trên thế giới. Nó được ban hành bởi BRE (Building Research Establishment) của Anh.
Green Star:
Đây là chuẩn đánh giá công trình xanh tại Úc, được ban hành bởi GBCA – Green Building Council of Australia.
BCA Green Mark:
Singapore đã rất nhanh nhạy trong việc đưa ra bộ tiêu chuẩn công trình xanh của riêng mình. Nó được ban hành bởi BCA – Building and Construction Authority.
CASBEE: Đây là tiêu chuẩn công trình xanh của Nhật
Malaysia Green Building Index: Đây là tiêu chuẩn công trình xanh của Malaysia
LEED India: Đây là tiêu chuẩn công trình xanh phiên bản LEED của Ấn Độ
HQE: Đây là tiêu chuẩn công trình xanh của Pháp
Tại Việt Nam, các tiêu chí đánh giá đã được nêu ra trong “Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam”, công bố vào ngày 24/07/2011 bao gồm 5 tiêu chí cơ bản:
Thứ nhất: Địa điểm bền vững.
Trong lĩnh vực xây dựng thì lựa chọn địa điểm bao giờ cũng là quan trọng nhất. Công trình “kiến trúc xanh” không đòi hỏi vị trí đắc địa mà quan trọng là tạo lập được một cảnh quan hài hòa, bền vững với môi trường; giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh; khai thác và phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trường sống của con người.
Thứ hai: Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả.
Một công trình kiến trúc xanh quan trọng hơn hết là phải nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên; giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng và vật liệu…
Thứ ba: Chất lượng môi trường trong nhà.
Kiến trúc xanh được xem là một giải pháp mới cho các công trình kiến trúc dân dụng. Chính vì thế, việc tạo ra một môi trường sinh sống có chất lượng; bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiện nghi; sử dụng hiệu quả công trình. Đặc biệt là những mảng xanh hóa phải được chú trọng khai thác nhiều…
Thứ tư: Kiến trúc tiên tiến, bản sắc.
Những công trình được xây dựng theo lối kiến trúc xanh phải đảm bảo vận dụng những nguồn chất liệu, thiết kế, trang trí nội thất hiện đại; đảm bảo chất lượng cuộc sống của cư dân thế kỷ 21. Song song đó mỗi công trình cũng cần có những yếu tố kế thừa nét văn hóa truyền thống. Ví dụ như quan niệm đưa mảng xanh vào nhà vừa lợi sức khỏe vừa hợp phong thủy bao đời…
Thứ 5: Tính xã hội – nhân văn và bền vững.
Phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ và nuôi dưỡng môi trường xã hội ổn định, bền vững. Thay vì những công trình với 4 bức tường sừng sững cô lập và riêng biệt; công trình “kiến trúc xanh” cho bạn một không gian mở để nhìn ngắm môi trường xung quanh. Đó thường là những tòa nhà tận dụng tối đa hệ thống kính cường lực; tạo nên một tầm nhìn thoải mái với về không gian bên ngoài.
Kiến trúc xanh là một giải pháp quan trọng nếu được vận dụng một cách hợp lí vào cuộc sống sẽ mang lại những hiệu quả tuyệt vời.