Kiến trúc xanh – Gắn kết truyền thống và hiện đại

Xu hướng hiện nay

Hiện nay, kiến trúc xanh là một trong những khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong cuộc sống nói chung và trong ngành kiến trúc nói riêng. Hiểu một cách cơ bản, kiến trúc xanh là một xu hướng mới trong thiết kế, thi công. Mục đích là giảm thiểu tối đa các tác động của công trình đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời  tăng mĩ quan và tạo ra một không gian sinh hoạt, làm việc trong lành và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ảnh: Internet

Khi nói về kiến trúc xanh, hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng nó chỉ có thể áp dụng cho các nước phát triển; dành cho những người giàu. Tuy nhiên, có một sự thật rằng: Người Việt đã từng sống trong những “công trình kiến trúc xanh”. Bạn có còn nhớ những ngôi nhà tre, nhà gỗ được lợp lá truyền thống; có mảnh sân rộng trước nhà với cây cối và ao hồ xung quanh? Những ngôi nhà ấy sử dụng những vật liệu vô cùng đơn giản; nhưng vẫn vững chãi trước mưa nắng qua hàng chục năm. Trước ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, những “ngôi nhà xanh” đã dần bị thay thế bởi những tòa nhà cao tầng được xây dựng từ bê-tông, sắt, thép.

Bài học từ kiến trúc truyền thống

Với khí hậu nóng ẩm, từ xa xưa ông cha ta đã có nhiều kinh nghiệm xử lý kiến trúc truyền thống. Từ chọn hướng nhà; bố cục và tổ chức không gian khuôn viên đến lựa chọn vật liệu xây dựng; đào ao hồ; trồng cây xanh….Nhằm tạo một không gian sinh hoạt phù hợp điều kiện kinh tế của mình. Những kinh nghiệm này không những giúp người dân cải thiện được điều kiện khí hậu; mà còn góp phần tích cực sử dụng tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống. Từ những kinh nghiệm đã có, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng vào xu hướng kiến trúc xanh hiện nay.

Bố cục, tổ chức không gian

Bố cục khuôn viên ngôi nhà truyền thống cũng có những nét riêng, đặc sắc rất Việt Nam. Đó là một quần thể bao gồm những ngôi nhà nhỏ, giản dị; được sắp xếp phân tán vây quanh ngôi nhà chính. Ở giữa có không gian đệm là cái sân rộng gắn liền trước ngôi nhà chính. Cách sắp xếp nhà ở, tổ chức sân vườn, ao cá, chuồng trại chăn nuôi, công trình sản xuất phụ….trong ngôi nhà truyền thống đều mang đậm bản sắc; hài hoà với cảnh quan thiên nhiên đã tạo nên được một bố cục tương đối hoàn chỉnh, cân bằng và ổn định.

Ảnh: Internet

Không gian sân như là “trái tim- lá phổi” của ngôi nhà vùng nhiệt đới nóng ẩm. Bởi đây không những là nơi diễn ra các sinh hoạt chủ yếu của một gia đình mà còn làm nhiệm vụ điều hoà; cải tạo điều kiện khí hậu; góp phần tích cực phục hồi sức khoẻ cho người dân sau một ngày lao động vất vả, nặng nhọc. Tương phản nhiệt độ giữa mặt sân đã được nung nóng và bóng mát vườn cây đã góp phần tạo nên dòng khí mát đối lưu hai chiều trong những ngày hè nóng bức.

Vật liệu xây dựng

Nước ta có điều kiện khí hâu khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, lượng bức xạ mặt trời lớn, miền Bắc mùa đông lạnh (nhất là các tỉnh miền núi phía bắc), độ ẩm cao. Để khắc phục vấn đề này ông cha ta trên mỗi vùng khác nhau của đất nước đã có những kinh nghiệm riêng trong việc sử dụng vật liệu, cấu trúc tường, mái chắn mưa nắng…

Vùng Đông Bắc có mùa đông lạnh ngắt, có nơi có tuyết rơi, có sương muối. Vì vậy ngôi nhà cổ truyền thống ở đây thường mở ít cửa và cửa sổ thường có kích thước nhỏ. Tường bằng đất dày. Ngôi nhà này rất đặc trưng, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm áp. Ngoài ra người dân nơi đây còn sử dụng loại nhà sàn để tránh ẩm mốc, tránh lũ lụt, thú dữ.

Ảnh: Internet

Nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, ông cha ta còn chú ý kết hợp với các loại hình thức che chắn khắc như: trồng cây; treo mành che; dựng các tấm phên dại;… để ngăn chặn bức xạ mặt trời mùa hè, che chắn gió lạnh mùa đông. Ngôi nhà luôn luôn được thoáng đãng, chống được ẩm mốc.

Nhà ở dân gian miền Trung hay ở đồng bằng sông Cửu Long thường có loại tường mỏng: vách đan bằng tre, nứa, gỗ hay bằng đất trộn rơm trát lên khung tre. Với loại cấu tạo tường này thì vào buổi trưa thường bị bức xạ mặt trời xâm nhập dễ dàng nhưng lúc xế chiều nó lại tạo điều kiện cho khí nóng thoát ra khỏi nhà một cách nhanh chóng, làm cho ngôi nhà chóng mát hơn.

Ảnh: Internet

Tổ chức cây xanh, mặt nước

Ao có thể xem như một nhân tố cơ bản tạo nên môi trường sống của người dân; đặc trưng cho hệ sinh thái nhà ở thôn xóm. Ao đã giúp người dân cải tạo địa hình khu đất; việc tiêu nước được nhanh chóng; chống lầy lội, ngập úng. Đồng thời là nguồn dự trữ nước để tưới cây, trồng trọt và cũng là phương tiện hữu hiệu góp phần cải tạo điều kiện vi khí hậu, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.

Cùng với ao, vườn cây cũng là nhân tố quan trọng; cấu thành bố cục khuôn viên nhà ở truyền thống. Vườn cây đã góp phần tích cực chống trả bão lụt tạo cho ngôi nhà có một môi trường vi khí hậu thuận lợi: Mùa hè cho bóng mát, mùa đông che chắn gió lạnh. Mặt khác vườn cũng đã góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người dân.

Ảnh: Internet

Ao vườn kết hợp với nhau tạo nên điều kiện tiện nghi cho môi trường sống nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nước ta. Chúng đã hút bớt năng lượng nhiệt và bức xạ; tạo ra một không khí trong lành, mát mẻ (Cây xanh có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời 40 – 45%; không khí nóng thổi qua thảm cỏ, cây xanh có thể hạ 2-3°C. Cây xanh còn có tác dụng lọc bụi, làm giảm độ ô nhiễm không khí từ 25 – 40%, ngăn cản được tiếng ồn…).

Chọn hướng công trình

Chọn hướng xây dựng ngôi nhà là một việc làm quan trọng. Như chúng ta đã biết khí hậu nước ta mùa hè ẩm ướt có gió nam, đông nam thổi từ biển vào; mùa đông khô có gió lạnh từ lục địa. Để đón được gió mát của mùa hè và tránh được gió rét của mùa đông, nhà ở nhân dân ta thường chọn quay về hướng Nam hay Đông Nam. Mặt khác nhà quay về hướng này sẽ  tránh được ánh nắng từ phía Đông vào mỗi buổi sáng; tránh được ánh nắng của phía Tây vào buổi chiều.

Việc lựa chọn hướng công trình trong kiến trúc truyền thống thể hiện được tính khoa học trong kinh nghiệm. Từ đó  cải thiện điều kiện khí hậu; góp phần tiết kiệm sử dụng năng lượng.

Xã hội phát triển, điều kiện về không gian cũng có nhiều thay đổi. Kiến trúc truyền thống có thể sẽ không còn phù hợp hoàn toàn với bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể vận dụng một cách linh hoạt, hợp lí kiến trúc truyền thống cho xu hướng kiến trúc xanh hiện nay.