Quan niệm công trình xanh đi liền với “đắt đỏ”
Kiến trúc xanh vô cùng đắt đỏ và chỉ có những công trình hạng sang mới có khả năng đạt chuẩn “xanh”. Đó là suy nghĩ chung của hầu hết người mua nhà và giới đầu tư hiện nay.
Không thể phủ nhận, khi phát triển một dự án theo tiêu chuẩn “xanh”, chi phí xây dựng công trình sẽ bị “đội” lên so với những dự án thông thường. Do phải đầu tư thêm các trang thiết bị đặc biệt tiết kiệm năng lượng như pin mặt trời; thiết bị tiết kiệm điện, nước; vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo một số kết quả nghiên cứu: Chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh trên thực tế chỉ từ 1% đến 5% tại Việt Nam. Chi phí gia tăng này bao gồm chi phí cho việc thiết kế và nghiên cứu chuyên sâu; chi phí tư vấn chứng nhận công trình xanh; chi phí cho thiết bị, vật liệu phù hợp các yêu cầu của công trình xanh.
Ảnh: Internet
Đổi lại các công trình xanh khi đi vào hoạt động sẽ giúp tiết kiệm từ 15-30% năng lượng; giúp giảm 30-35% lượng khí thải carbon; tiết kiệm 30-50% lượng nước sử dụng và từ 50-70% chi phí xử lý chất thải. Không những thế, các công trình xanh sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống; đảm bảo sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là tăng tuổi thọ công trình. Những khoản lợi này so với chi phí đầu tư ban đầu là hoàn toàn hợp lí.
Đưa kiến trúc xanh vào các công trình vừa và nhỏ
Tại Việt Nam hiện nay, đa số công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp; nơi khách hàng sẵn sàng chi trả cao để có được chất lượng sống tốt hơn, trong lành hơn. Trong khi đó, phân khúc nhà giá thấp và trung bình mới là khu vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Vì vậy, xu thế phát triển kiến trúc xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là một nhu cầu bức thiết tại Việt Nam hiện nay.
Ảnh: Internet
Đối với các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án tầm trung trong nước thì vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu hay quy trình chất lượng được thực thi và giám sát chặt chẽ. Từ đó làm thời gian thi công công trình kéo dài, kéo theo việc giảm lợi nhuận.
Bên cạnh đó, tâm lý của người mua nhà của Việt Nam cũng còn thói quen lấy giá thành làm tiêu chí lựa chọn. Yếu tố lợi ích tiết kiệm; tính bền vững của công trình; tăng chỉ số sức khỏe; chỉ số hạnh phúc;… đối với phần lớn cộng đồng còn rất ít thông tin và kém quan tâm.
Giải pháp linh hoạt
Theo các chuyên gia, thực tế các công trình xanh không bắt buộc phải sử dụng tất cả các vật liệu xây dựng xanh. Điều quan trọng để tạo ra công trình xanh là cần kết hợp hiệu quả các loại vật liệu & giải pháp thiết kế.
Song thực tế, trước khi con người phát minh ra các thiết bị tân tiến (áp dụng phương pháp chủ động); hàng ngàn năm nay dân gian đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm ứng phó với khí hậu địa phương qua các giải pháp kiến trúc thông minh; hiệu quả và rẻ tiền (phương pháp thụ động). Nếu chú ý tận dụng tối đa các phương pháp thụ động trước. Sau đó chỉ dùng đến các phương pháp chủ động khi thực sự cần thiết. Như vậy, ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng công trình xanh đã có hiệu quả tài chính.” Theo KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam phân tích.
Ảnh: Internet
Để hiện thực hóa giấc mơ về một đất nước với các công trình xanh không hề dễ dàng. Các sở ban ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần có các biện pháp hỗ trợ; khuyến khích phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cải thiện nhận thức về công trình xanh cho các nhà đầu tư; giới chuyên môn và cộng đồng là một trong những giải pháp nền tảng.