Hồ của Hà Nội là một trong những thành phần quan trọng trong cấu trúc không gian văn hóa cũng như môi trường của đô thị.
Lịch sử lâu đời
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có 111 hồ; với tổng diện tích mặt nước khoảng 2180 ha. Có 24 hồ lớn trong nội thành với diện tích khoảng 765 ha. Hầu hết là hồ tự nhiên, có nguồn gốc từ các nhánh sông Hồng. Trong quá khứ, các hồ là một thành phần của các nhánh sông nhỏ; kết nối với nhau và chảy ra sông Hồng.
Ảnh: Internet
Sau này, quá trình đô thị hóa đã dần tách các hồ ra độc lập với nhau. Diện tích một số hồ cũng bị thu nhỏ lại để tăng diện tích giao thông và đất ở. Nhìn vào sự phân bố của các hồ ở Hà Nội, có thể nhận thấy được lịch sử kiến tạo địa chất của vùng đất “tụ thủy”, vùng đất “phong thủy” nhiều “địa linh, nhân kiệt”.
Cải tạo cảnh quan, môi trường đô thị
Các hồ Hà Nội còn có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường vi khí hậu như tăng độ ẩm; làm mát không khí; lọc bụi; giảm tiếng ồn; giảm bức xạ của mặt trời.
Ngoài ra, hồ còn giữ chức năng là các hồ điều hòa trong việc chống úng ngập cục bộ; nâng cao mực nước ngầm trong đô thị; giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ… bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên còn lại trong đô thị.
Nếu nhìn nhận rộng hơn, các hồ Hà Nội chính là một thành phần quan trọng của hạ tầng xanh, không chỉ điều hòa nước, mà còn phần nào kết hợp với hệ thống cây xanh thảm cỏ, lọc đi một phần nào những ô nhiễm của đô thị.
Ảnh: Internet
Bản sắc văn hóa
Hệ thống các hồ ở Hà Nội thường gắn liền với các truyền thuyết dân gian. Trung tâm của Hà Nội là hồ Gươm linh thiêng với vẻ đẹp quyến rũ, thanh cao; gắn với truyền thuyết Rùa thần cho vua Lê mượn gươm báu, đánh đuổi quân Minh xâm lược. Hồ Tây với truyền thuyết trâu vàng. Dấu chân trâu dẫm xuống đất thì lún thành hồ. Ngoài ra còn có huyền thoại về Bà chúa Liễu Hạnh, nay còn để lại cho Hà Nội một phủ Tây Hồ linh thiêng, huyền ảo. Tương truyền rằng hồ Linh Đàm là nơi trú ngụ của thần Lâm Đảm (thần Rồng), đã từng hóa thành cậu học trò theo học thầy Chu Văn An…
Ảnh: Internet
Các hồ là những không gian mở đặc biệt, liên kết các công trình công cộng, các công trình nhà ở…thành những khu vực có chất lượng thẩm mỹ cao và các hoạt động đặc trưng cho mỗi khu vực đó (ẩm thực, tâm linh, giải trí, nghỉ ngơi, thể thao…). Hồ Tây, Hồ Thuyền Quang gắn với các làng nghề truyền thống và các đình chùa gần đó. Hồ Gươm gắn với đền Ngọc Sơn linh thiêng và không gian sinh hoạt công cộng cho cộng đồng dân cư các lứa tuổi với nhiều hình thức hoạt động đa dạng (thư giãn, giao lưu, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện,…)
Với số lượng lên đến hàng trăm, các hồ ở Hà Nội kết hợp với truyền thống văn hóa đã tạo nên nét bản sắc riêng, góp phần tạo lập văn hóa và lối sống của người Hà Nội.