Cây xanh trong văn hóa Việt Nam
Với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với hệ thực vật phong phú đa dạng; cây xanh đã trở thành một phần trong văn hóa Việt Nam. Cây xanh mang đến những giá trị vật chất, hỗ trợ rất lớn cho sinh hoạt hằng ngày của con người. Bên cạnh đó cây xanh còn mang những giá trị tinh thần rất lớn. Vì vậy, khi mang cây xanh vào kiến trúc cần phải có sự nghiên cứu, cân nhắc kĩ lưỡng.
Cây xanh biểu thị cho giá trị, vị thế của con người
Với người Việt, mỗi loại cây mang một ý nghĩa biểu trưng riêng. Cây tre biểu tượng của sự cần cù, chịu thương chịu khó. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết:
“Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đá vôi bạc màu”
Ảnh: Internet
Trúc là biểu tượng của tiết tháo vô tư. Sen là biểu tượng cho trong sạch, thanh cao, như câu ca dao:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Rồi một con người nào đó đặc biệt xuất sắc trong một lĩnh vực thì được gọi là “đại thụ” (cây lớn).
Cây xanh gắn liền với thú chơi tao nhã
Tục ngữ có câu: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”. Trong sân vườn nhà người Việt thường có vài loại cây cảnh để trang trí, để thư thái ngắm nhìn, chăm chút hằng ngày.
Ảnh: Internet
Từ thời Lý, Trần, rồi Lê, ông cha ta đã có thú chơi cây cảnh. Trong các bài thơ trong Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, chúng ta thấy rằng: người Thăng Long xưa đã chuộng các cây như Mai, Lan, Trúc, Cúc, Đào, Mẫu Đơn, Thiên Tuế, Nhài, Sen,… Bản thân Nguyễn Trãi cũng thích chơi cây hoa trong vườn nhà mình ở Thăng Long, như bài thơ của bạn ông Nguyễn Mộng Tuân tả lại:
“Một dòng nước lạnh, nhà quan Tam quán
Bốn vách nghèo xơ, chỉ toàn sách vở
Trăng vẽ bóng Mai lên trướng đỏ
Gió đưa hương Sen vào song thưa”
(Trần Quốc Vượng dịch)
Thờ cây
Thờ cây là tín ngưỡng có tính phổ biến trên thế giới cho đến ngày nay. Nó là biểu hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người với sinh thái tự nhiên. Ở mỗi quốc gia, vùng miền, hội giáo ý nghĩa việc thờ cây có những nội dung khác nhau. Ý nghĩa thờ cây giữa phương Đông và phương Tây, giữa các tôn giáo cũng có nhiều nét khác biệt.
Dưới gốc bồ đề, Đức Phật đã giác ngộ và đạt Niết bàn. Vì thế, Phật giáo thờ cây bồ đề để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn với đức Thích Ca. Ở Châu Âu, cây thông, cây tùng được Cơ đốc giáo thờ để trừ ma quỷ. Người La Mã và Hy Lạp thờ cây Linh Sam. Người Đức thờ cây Sồi. Người Chàm có tục thờ Dừa, thờ Cau.
Ảnh: Internet
Trong văn hóa Việt Nam, tục thờ cây cũng rất phổ biến, đi sâu vào tiềm thức của nhiều người dân. Khắp các làng quê đều có cây Đa, cây Gạo ở đầu làng hoặc giữa làng để trấn yểm, bảo vệ cư dân trong làng. Không khó để bắt gặp những bát hương được đặt trên thân cây cổ thụ như cây Đa, Đề, Gạo, Si…
Nhiều gia đình ở Miền Bắc giờ vẫn giữ tục thờ Mía vào ngày tết (được coi là loại cây đặc sản từ thời Hùng Vương)
Đi từ góc độ văn hóa để mang cây xanh vào kiến trúc
Với những ý nghĩa văn hóa như vậy, khi mang cây xanh vào kiến trúc cần phải có những nghiên cứu để có những lựa chọn phù hợp nhất.
Ảnh: Internet
Thực tế, khi các công trình bị “dính” vào một cây cổ thụ thì người ta thường lựa chọn tránh đốn chặt “thần cây” đó. Ví dụ, nằm sừng sững giữa phố Trấn Vũ ở Hà Nội là một cây đa được thờ cúng gần như 365 ngày trong năm. Hoặc trong dự án mở rộng nút giao ở dốc Bưởi, cây đa ở cổng làng Nghĩa Đô bị rơi vào quy hoạch đường Võ Chí Công; người ta phải làm đường sao cho tránh cây đa đó.
Đó không phải vì người ta muốn giữ một cây xanh tạo bóng mát mà bởi vì người ta sợ mạo phạm. Nếu là các cây không thiêng khác như Xà Cừ, Sưa, Phượng Vĩ… thì chắc chắn người ta sẽ chặt ngay. Liên quan đến yếu tố tâm linh và phong thủy vẫn nên có những cân nhắc thật kĩ càng.
Mỗi loại cây đều có ý nghĩa biểu trưng nhất định, đưa cây xanh vào kiến trúc nếu cân nhắc và có sự lựa chọn phù hợp với tính cách, mong muốn của gia chủ; ngoài yếu tố thẩm mĩ thì còn mang lại chiều sâu cho thiết kế.