Với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với hệ thực vật phong phú đa dạng; cây xanh đã trở thành một phần trong văn hóa Việt Nam. Cây xanh mang đến những giá trị vật chất, hỗ trợ rất lớn cho cuộc sống hằng ngày của con người. Bên cạnh đó, cây xanh còn gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của người Việt.
Ý nghĩa tâm linh một số loài cây
Cây gạo
Cây gạo thường mọc đơn lẻ ở những nơi khuất như gò, bờ. Thân cây to vươn cành với tới mây trời, tán cây che rợp một một vùng đất. Đặc biệt, khi hoa nở lá cây sẽ rụng hết. Tưởng chừng chỉ sau một đêm cây gạo đã đỏ rực cả góc trời. Sự chuyển màu mạnh mẽ, nhanh chóng của cây phần nào mang đến cảm giác không hề chân thực, hơi ma mị cho con người.
Ảnh: Internet
Lá gạo to mọc thưa ở những cành cao chót vót nên thích hợp cho loài quạ đen, quạ khoang làm tổ. Vị trí đó giúp loài quạ rộng tầm quan sát tự vệ và kiếm mồi. Vì là nơi chứa chấp bầy quạ nên con người dễ liên tưởng đến cái chết, đến sự trú ngụ của ma quỷ.
Cây đa
Không ai có thể phủ nhận cây đa là biểu tượng văn hóa đặc sắc của làng quê Việt. Đó là biểu tượng của văn minh nông nghiệp làng xã tồn tại hàng ngàn năm tới ngày nay. Cây đa thường gắn liền với những công trình công cộng; không gian sinh hoạt văn hoá cộng đồng như đình, miếu, cổng làng, bến nước,…
Ảnh: Internet
Trong các đền, đình, chùa, miếu, lăng mộ hầu như không thể thiếu bóng dáng cây đa. Cây đa trở thành biểu tượng của tín ngưỡng tâm linh. Nó vừa là nơi trú ngụ của thế giới tâm linh vừa là cây cao bóng cả bao trùm che chở cho đời sống cõi người. Với sức sống mãnh liệt vượt qua mọi nghiệt ngã của thời tiết, khí hậu, thách đố cả thời gian; cây đa trở thành chứng nhân cho mọi thăng trầm đổi thay của cuộc đời, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cây đề, sala
Cây đề và cây sala là hai loại cây gắn liền với Phật giáo. Tương truyền rằng Đức Phật Thích Ca được hoàng hậu Maya sinh dưới gốc cây Sala; lúc bà lên cơn đau thì một cành cây đã chìa ra cho bà nắm lấy như tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ cho bà.
Ảnh: Internet
Đức Phật Thích Ca đã ngồi dưới gốc cây bồ đề thiền định và dần giác ngộ được giáo lý Phật giáo. Sau khi giác ngộ ra chân lý, Ngài đã đi và truyền dạy đạo Phật ở khắp châu Á. Xuất phát từ những truyền thuyết như vậy nên hai loại cây này được xem là linh thiêng; thường được trồng ở các công trình Phật Giáo.
Ứng dụng trong kiến trúc
Thực tế hiện nay, khi các công trình bị “dính” vào một cây mang tính tâm linh thì người ta thường lựa chọn tránh đốn chặt. Ví dụ, nằm sừng sững giữa phố Trấn Vũ, Hà Nội là một cây đa được thờ cúng gần như 365 ngày trong năm. Hoặc trong dự án mở rộng nút giao ở dốc Bưởi, cây đa ở cổng làng Nghĩa Đô bị rơi vào quy hoạch đường Võ Chí Công; người ta phải làm đường sao cho tránh cây đa đó.
Ảnh: Internet
Đó không phải vì người ta muốn giữ một cây xanh tạo bóng mát mà bởi vì người ta sợ mạo phạm đến các yếu tố tâm linh truyền thống. Nếu là các cây không thiêng khác như xà cừ, sưa, phượng vĩ… thì chắc chắn người ta sẽ chặt ngay. Liên quan đến yếu tố tâm linh và phong thủy vẫn nên có những cân nhắc thật kĩ càng.
Cuộc sống hiện đại, chúng ta không còn quá đặt nặng những yếu tố ma mị bí ẩn như xưa. Việc vận dụng những loài cây có ý nghĩa tâm linh vào thiết kế là có thể. Những cây như đa, đề, sala,… đều là những cây có sức sống rất mãnh liệt, dễ trồng, dễ chăm sóc. Cũng có thể trồng cây gạo thành hàng, vào mùa hoa nở mang lại giá trị cảnh quan rất lớn. Ngoài ra, cây gạo còn có các giá trị trong y học như thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, bổ huyết, tiêu viêm, cầm máu…
Như vậy, việc kết hợp, trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt những cây đa, cây gạo, cây đề, sala;… cũng góp phần vào bảo về một nét văn hóa tâm linh của dân tộc.