Ảnh hưởng của hiện tượng tảo nở hoa đến hệ sinh thái hồ

“Tảo” là 1 nhóm rất rộng, bao gồm rất nhiều loài từ đơn bào tới phức tạp như rong biển, từ độ dài một vài micro-mét tới 50 mét. Đặc điểm chung là chúng tương tự thực vật trên mặt đất – quang hợp hấp thụ khí CO2 và thải ra O2.  Tảo có khả năng sinh sản rất mạnh, đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa.

Ảnh: Internet

Tảo nở hoa là gì?

Tảo nở hoa là hiện tượng tự nhiên xảy ra do mật độ tế bào vi tảo gia tăng lên đến hàng triệu tế bào/lít (thông thường có khoảng 10 – 100 tế bào vi tảo/ml, nhưng trong trường hợp “nở hoa” mật độ có thể lên trên 10.000 tế bào/ml); làm biến đổi màu của nước thành xanh lục đậm, đỏ cho đến vàng xám,…

Ảnh: Internet

Hiện tượng tảo nở hoa có liên quan chặt chẽ tới sự phú dưỡng của thủy vực. Nguyên nhân của hiện tượng trên có liên quan đến các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ mặn và hàm lượng muối dinh dưỡng cũng như các trường khí – thủy văn. Ngoài ra, các chất thải từ hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch; sự phát triển của các nhà máy chế biến thủy sản, hóa chất;… cũng là một trong các nguyên nhân.

Tảo nở hoa ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái hồ?

Tảo tạo nên nền tảng của lưới thức ăn, làm cơ sở cho sự sống trong môi trường nước. Tảo được cho là sản sinh ra tới 80% lượng ô-xy trên trái đất. Chỉ khi sinh sôi một cách đột biến dày đặc tại một vùng nước, chúng mới gây ra một số vấn đề sau:

  • Màu của nước sẽ bị thay đổi thành các màu phổ biến như xanh lục, đỏ, vàng, xám,… tùy theo màu của loại tảo trong môi trường. Gây mất mỹ quan.
  • Khi sinh sôi nhanh chóng thì số lượng tảo chết cũng rất lớn. Khi chết, xác tảo chìm xuống đáy. Tại đây, vi khuẩn sẽ phân hủy xác tảo làm bẩn nước, gây mùi hôi hoặc vị khó chịu.
  • Các loại sinh vật khác hấp thụ phải chất độc sẽ bị nhiễm độc. Cứ thế, chất độc lan trong chuỗi thức ăn. Gây chết hoặc đầu độc các tổ chức sống khác trong hệ thống thủy sinh, bao gồm cả cá.

Ảnh: Internet

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe con người: Con người có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp ăn phải hải sản đã nhiễm độc. Tùy theo loại tảo độc và mức độ tích tụ của chất độc mà, khi ăn phải, tác động sẽ khác nhau. Ví dụ khó thở, tiêu chảy, nôn mửa, chóng mặt,… có những trường hợp đặc biệt nặng gây chết người. Chất độc trong một số loại tảo cũng bị tiết ra môi trường. Chẳng hạn tảo Karenia brevis khiến người tắm biển bị kích ứng da. Chất độc của loại tảo này còn lan ra không khí và theo gió thổi vào bờ khiến những người hít phải cảm thấy khó thở.